Lịch sử

TRUNG TÂM CẤP CỨU 115 HÀ NỘI

62 năm, một chặng đường

 

      1. Tiền thân của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội (1954 – 1975)

      Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội tiền thân từ Tổ cấp cứu trực thuộc văn phòng Sở Y tế Hà Nội, được thành lập từ năm 1954 sau khi hòa bình lập lại, địa điểm đóng tại Mỏ Vàng (phố Trần Quang Khải hiện nay), sau đó chuyển đến Trường Sinh Từ (phố Sinh Từ cũ, nay là phố Nguyễn Khuyến) và chuyển về số 11 phố Phan Chu Trinh. Tổ cấp cứu ban đầu chỉ có 10 cán bộ y tế, được giao nhiệm vụ cấp cứu và vận chuyển sản phụ và trẻ em từ các trạm y tế phường đến các bệnh viện,ngoài ra còn tham gia phục vụ công tác y tế cho cán bộ thành phố, chuyên gia nước ngoài cùng các hoạt động xã hội khác như các cuộc mít tinh, văn hóa văn nghệ …. trên địa bàn Hà Nội.

       Năm 1958, Thành phố và Sở Y tế quyết định chuyển Tổ cấp cứu thành Phòng cấp cứu 05, vẫn thuộc văn phòng Sở Y tế Hà Nội, địa điểm đóng tại số 11 phố Phan Chu Trinh. Phụ trách là Bác sĩ Nguyễn Văn Bằng (thời kỳ 1958 – 1964) và Y sĩ Vũ Bá Cư (thời kỳ 1964 – 1975).

      Năm 1970, Thành phố và Sở Y tế đã trang bị cho đơn vị 10 xe ô tô và bổ sung thêm nhân lực gồm 40 cán bộ y tế nhằm tăng cường khả năng cấp cứu người bệnh trong điều kiện chiến tranh.

      Phòng cấp cứu 05 hàng ngày tổ chức 2 ca làm việc, mỗi ca có 3 kíp cấp cứu thường trực, sẵn sàng cấp cứu người bệnh tại cộng đồng, vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện để tiếp tục điều trị. Ngoài ra còn tham gia công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo y tế cho các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của Trung ương và Thành phố tổ chức.

      Năm 1972, giặc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, đặc biệt là 12 ngày đêm máy bay B52 bắn phá Hà Nội, cùng với quân và dân chiến đấu bảo vệ Thủ đô, cán bộ nhân viên Phòng cấp cứu 05 đã không sợ hiểm nguy, dũng cảm cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến các bệnh viện để tiếp tục cứu chữa. Với thành tích đạt được trong công tác và phục vụ chiến đấu, cán bộ nhân viên y tế Phòng cấp cứu 05 đã vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời lên gặp mặt và tặng quà là một chiếc đài bán dẫn, đồng thời được Nhà nước tặng thưởng  Huân chương chiến công hạng nhì (năm 1973).

       2. Thời kỳ từ 1975 đến nay (Đơn vị độc lập thuộc Sở Y tế Hà Nội):

       2.1. Từ 1975 – 1995:

      Sau khi nước nhà được thống nhất, hòa cùng không khí cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 15/ 12/ 1975, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển Phòng cấp cứu 05 thành Trạm vận chuyển cấp cứu 05 Hà Nội (đơn vị độc lập trực thuộc Sở Y tế Hà  Nội; Trụ sở tại 11 phố Phan Chu Trinh). Trạm trưởng là Bác sĩ Nguyễn Tất Thái (thời kỳ 1976 – 1985), Bác sĩ Nguyễn Khôi (thời kỳ 1985 – 1992) và Bác sĩ Hoàng Văn Nhâm (thời kỳ 1992 – 2005). Trong suốt thời kỳ này, Trạm vận chuyển cấp cứu 05 Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh, thường xuyên tăng cường phương tiện, trang thiết bị y tế, bổ sung nhân lực để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

      Năm 1979, Thành phố mở rộng, sát nhập thêm 7 huyện của tỉnh Vĩnh Phú và Hà Sơn Bình, Trạm vận chuyển cấp cứu 05 Hà Nội được giao nhiệm vụ thành lập thêm hai phân trạm cấp cứu vệ tinh tại khu vực Sơn Tây và Đông Anh để phục vụ công tác cấp cứu của thành phố.

      Năm 1989, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính (huyện Mê Linh trả về tỉnh Vĩnh Phúc, các huyện thuộc về Hà Sơn Bình cũ trả về tỉnh Hà Tây), do vậy mà hai phân trạm cấp cứu vệ tinh khu vực Sơn Tây và Đông Anh giải thể; các phương tiện, nhân viên y tế được nhập về Trạm 11 phố Phan Chu Trinh.

      Nhiệm vụ của Trạm thời kỳ này là cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân ngoài cơ sở y tế (tại nhà dân, cơ quan, trường học, đường phố …), đồng thời hỗ trợ các bệnh viện vận chuyển bệnh nhân cấp cứu lên tuyến trên để điều trị. Bên cạnh đó, đơn vị còn kết hợp với Phòng cảnh sát trật tự Công an Thành phố Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tổ chức xử lý và vận chuyển người bệnh tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố, đưa về các bệnh viện tâm thần và các Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố để quản lý, chăm sóc và điều trị.

      2.2. Từ 1995 – 2008:

      Cùng với sự phát triển của xã hội, trình độ dân trí ngày một nâng cao, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của cấp cứu ban đầu, vì vậy mà số lượt yêu cầu cấp cứu gọi đến số máy 05 ngày một tăng. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, ngày 28/3/1997, UBND Thành phố quyết định chuyển Trạm vận chuyển cấp cứu 05 Hà Nội thành Trung tâm vận chuyển cấp cứu Hà Nội. Giám đốc là Bác sĩ Hoàng Văn Nhâm (thời kỳ 1992 – 2005) và Bác sĩ Trần Văn Nam (thời kỳ từ 2005 đến 2015).

      Qua quá trình hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội, đơn vị đã không ngừng phát triển, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, bổ sung nhân lực để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

      Thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu và vận chuyển cấp cứu Thành phố Hà Nội, Trung tâm đã thành lập và đưa vào hạt dộng các Trạm cấp cứu khu vực để đáp ứng nhu cầu cấp cứu trước bệnh viện của người bệnh trên địa bàn Thành phố.

– Tháng 6/ 2002: thành lập Trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm,

– Tháng 7/ 2003: thành lập Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm,

– Tháng 11/ 2005: thành lập Trạm cấp cứu khu vực Thanh Trì,

         Số kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ của đơn vị cũng tăng từ 05 kíp năm 2001 lên 07 kíp năm 2002, lên 09 kíp năm 2003 và 11 kíp năm 2005. Do vậy mà khả năng đáp ứng cấp cứu trước bệnh viện của đơn vị ngày một cao, thời gian các kíp cấp cứu tiếp cận với người bệnh nhanh hơn, đặc biệt là đáp ứng y tế trong trường hợp tai nạn hàng loạt, thiên tai, thảm họa xảy ra. Người bệnh, người bị tai nạn được cấp cứu ngay từ đầu, được theo dõi, chăm sóc và xử trí cấp cứu trên đường vận chuyển đến các bệnh viện, do đó giảm được nguy cơ tử vong, giảm các biến chứng, giảm thời gian và chi phí điều trị.

        2.3. Thời kỳ 2008 đến nay:

       Ngày 20/6/2008, UBND Thành phố Hà Nội quyết định chuyển Trung tâm vận chuyển cấp cứu Hà Nội thành Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị và Quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc của Bộ Y tế ban hành tháng 01/2008.

      Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị:

      * Vị trí, chức năng:

       Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có tài khoản tại kho bạc; có chức năng tổ chức cấp cứu ngoài bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc của Bộ Y tế.

      * Nhiệm vụ:

– Cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện để tiếp tục điều trị.

– Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật.

– Tổ chức đào tạo và tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và tập huấn chuyên môn kỹ thuật về cấp cứu ngoài bệnh viện cho cán bộ y tế.

– Phối hợp với Hội chữ thập đỏ các cấp và màng lưới y tế cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân phòng và phát hiện tai nạn.

– Tham mưu cho UBND thành phố, Bộ Y tế và Sở Y tế xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

– Phục vụ hoạt động văn hóa – chính trị – xã hội của Trung ương và Hà Nội khi được giao nhiệm vụ.

– Quản lý cán bộ, viên chức, tài sản, tài chính theo quy định của nhà nước.

       Năm 2008 cũng là năm Hà Nội thay đôi địa giới hành chính, sát nhập Tình Hà Tây và một số huyện của tỉnh Vĩnh Phúc về Thành phố Hà Nội.

      Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu trước viện của người bệnh. Tháng 01/2010, Trung tâm đã mở thêm Trạm cấp cứu khu vực Hà Đông, nâng tổng số Trạm cấp cứu khu vực lên 05 trạm, với 14 kíp cấp cứu thường trực 24/ 24 giờ.

      Từ năm 2010 đến 2011, Thành phố Hà Nội đã đầu tư dự án phát triển hệ thống cấp cứu Thành phố Hà Nội, trang bị phương tiện xe ô tô cứu thương, trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ trên các xe cấp cứu 115 để cấp cứu tốt nhất người bệnh.

     Số lượt yêu cầu cấp cứu của người bệnh gọi đến 115 ngày một tăng. Trong những năm gần đây, số lượt đáp ứng cấp cứu người bệnh của 115 đều trên 34.000 lượt chuyến/ một năm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã đáp ứng tốt những nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt là đáp ứng cấp cứu nạn nhân trong các trường hợp thiên tai, thảm họa, tai nạn hàng loạt xảy ra trên địa bàn.

     Với những thành tích đạt được, đơn vị đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ (năm 2008) và Huân chương lao động hạng ba (năm 2010)./.

Call Now Button